Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, trẻ mầm non sẽ được đi học trở lại nhưng công tác phòng, chống dịch của các trường học vẫn không được lơ là, chủ quan. Các trường hãy chuẩn bị thật tốt công tác phòng, chống dịch để khởi động lại hoạt động dạy và học an toàn cho cô và trò nhé.
1. Vệ sinh, khử khuẩn trường học
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát hiệu quả, có quyết định cho các cơ sở giáo dục hoạt động trở lại, các trường cần chủ động tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, sẵn sàng đón trẻ tới lớp. Thời điểm tốt nhất để tiến hành khử khuẩn là 1 tuần trước khi đón trẻ tới trường.
Công tác khử khuẩn phải được thực hiện một cách nghiêm túc, cẩn thận. Toàn bộ phạm vi trường học từ cổng cho tới các phòng học, hành lang, phòng học chức năng, tay vịn cầu thang, cửa phòng, nhà bếp, phòng ăn, nhà vệ sinh, khu vui chơi, xe đưa đón trẻ (nếu có)... cho tới từng món đồ chơi, dụng cụ học tập, dụng cụ nấu ăn và ăn uống, bàn ghế.. phải được khử trùng.
Các phòng học nên mở cửa thông thoáng, đón gió, ánh sáng để không khí lưu thông, hết bụi bặm và ẩm mốc do đóng cửa lâu ngày. Trong những ngày đầu đi học trở lại, nên hạn chế đóng kín phòng học, mở điều hòa, hãy để cửa thông thoáng, các con ngồi giãn cách, thoải mái. Trẻ có sức đề kháng rất kém nên không gian cần sạch sẽ, thoáng mát, không tạo điều kiện cho virus gây bệnh.
Nhà trường có thể tự lau rửa, sát khuẩn bằng Cloramin B hoặc phối hợp với Trung tâm y tế ở khu vực trường phun khử khuẩn toàn trường học.
2. Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế
Mỗi lớp cần trang bị dụng cụ đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay sát khuẩn. Các cô phải thường xuyên nhắc nhở trẻ xịt khuẩn, rửa tay khi đến lớp, sau khi ra ngoài hoạt động, vui chơi, đi vệ sinh. Mỗi trẻ nên có đồ dùng cá nhân riêng như khẩu trang, khăn mặt, chăn gối, cốc uống nước (nhà trường chuẩn bị) hoặc giáo viên nhắc phụ huynh mang đồ dùng riêng cho bé.
Nếu có điều kiện, trường có thể lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt ở cổng trường. Như vậy, có thể kiểm soát được học sinh, phụ huynh, giáo viên khi lui tới trường có biểu hiện sức khỏe bất thường hay không.
Phòng y tế cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc thang, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Phải luôn có sẵn khẩu trang, nhiệt kế, bộ đồ bảo hộ, mũ chống giọt bắn, dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, bộ phận y tế trường cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng dịch ở các lớp, yêu cầu giáo viên lớp kiểm tra sức khỏe trẻ đầu ngày và trước khi ra về. Trẻ nào có biểu hiện sốt, ho, khó thở,... phải báo ngay cho nhân viên y tế trường.
Trồng thêm cây xanh quanh trường cũng là một ý kiến hay để bầu không khí luôn được trong lành, xanh – sạch.
3. Tổ chức thời khóa biểu phù hợp tình hình thực tế
Để tránh tập trung đông người vào một thời điểm, nhà trường nên có kế hoạch sắp xếp, xây dựng phương án đón trẻ trở lại trường an toàn và có kế hoạch tổ chức giảng dạy, thời gian biểu phù hợp với tình hình thực tế.
Ví dụ, chia lớp thành các nhóm lớp nhỏ, mỗi lớp chỉ 20 bé, ngồi giãn cách. Thời gian nhận và trả trẻ của các lớp lệch nhau, mỗi lớp chênh nhau khoảng 20 phút. Nhà trường cần thông báo cụ thể thời gian đưa đón trẻ thay đổi để phụ huynh sắp xếp thời gian và công việc. Các bài học nên hạn chế có sự tiếp xúc vui. Điều này có thể khiến giáo viên vất vả hơn nhưng đảm bảo an toàn, sức khỏe cho mọi người.
Để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, nhà trường nên tổ chức họp phụ huynh (hình thức trực tuyến), phổ biến các kế hoạch phòng chống dịch và đề nghị phụ huynh phối hợp, nhắc nhở trẻ về ý thức tự giác, chăm sóc bản thân khi đến trường.
4. Không tổ chức hoạt động học tập, vui chơi ngoài nhà trường
Nhà trường nên dừng các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, vui chơi tập thể, tuân thủ quy định giãn cách, tránh tập trung đông người của Nhà nước. Để trẻ thấy thoải mái, vui vẻ dù ít được ra ngoài, cô giáo hãy sáng tạo nhiều trò chơi, hoạt động trong lớp hoặc xen kẽ giờ ra chơi ngoài sân giữa các lớp.
Đây sẽ là thời gian khó khăn với cả cô và trò nhưng trên hết là đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của tất cả mọi người trong tình hình này.
5. Đảm bảo vệ sinh, an toàn trong bữa ăn
Phần lớn các trường mầm non hiện nay tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường. Giai đoạn này, bữa ăn của trẻ càng phải được chuẩn bị cẩn thận hơn. Đồ dùng nấu ăn, bát đĩa phải được khử trùng trước khi dùng. Không nên cho trẻ tập trung ăn tại nhà ăn. Có thể chia tác nhóm nhỏ ăn theo lớp hoặc tổ chức ăn tại phòng học. Sau khi ăn cần vệ sinh sạch sẽ phòng học.
Thực đơn bữa ăn nên thay đổi thường xuyên, cung cấp đầy đủ các loại chất dinh dưỡng để sức khỏe của trẻ, có sức đề kháng tốt, hạn chế nhiễm bệnh.
Trên đây là một số vấn đề chủ trường mầm non nên lưu ý và thực hiện khi hoạt động trở lại sau dịch Covid-19. Những nỗ lực của nhà trường trong việc chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 sẽ góp phần tạo nên một năm học an toàn và đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đến trường.
Bình luận về bài viết